Hướng dẫn chi tiết xuất khẩu chính ngạch nông sản sang thị trường Trung Quốc

Ngày tạo: 2024-06-04 17:59:16

Trung Quốc hiện là khách hàng lớn nhất của nông sản Việt trong năm 2023, tuy nhiên thị trường Trung Quốc đang ngày càng khắt khe và có các yêu cầu nghiêm ngặt hơn đối với hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài. Đặc biệt đối với các hàng hoá có tính thời vụ như hàng nông sản, việc chủ động nắm bắt được yêu cầu chất lượng, quy định an toàn thực phẩm và các thông tin liên quan mới nhất từ Trung Quốc sẽ giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian làm hồ sơ, giảm thiểu các rào cản trong quá trình xuất khẩu. Nếu bạn đang có dự định xuất khẩu nông sản nhưng vẫn còn bối rối trước quy trình và thủ tục, hãy cùng Vietnam Logistics tham khảo hướng dẫn xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc dưới đây.

 

Hiện nay, đa số nông sản Việt Nam đang xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, tức việc trao đổi hàng hoá được thực hiện bởi cư dân hai biên giới và thông quan qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới. Xuất khẩu tiểu ngạch tuy giao dịch đơn giản nhưng kéo theo nhiều rủi ro về công tác quản lý, ùn tắc cửa khẩu, nguy cơ bị ép giá. Vì vậy, Nhà nước Việt Nam đang có các chính sách siết chặt xuất khẩu tiểu ngạch theo lộ trình từ ngày 01/01/2025 (cư dân biên giới bị giảm dần số lần và số tiền miễn thuế) để chuyển sang xuất khẩu chính ngạch.

 

Điều kiện để nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

 

 

- Phải nằm trong danh mục được Trung Quốc cho phép nhập khẩu. Danh mục nông sản được phép nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố và cập nhật tại  http://www.customs.gov.cn/

 

- Phải tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

 

- Phải được Tổng cục Hải quan Trung Quốc tiến hành đánh giá rủi ro về vệ sinh dịch tễ, sau đó mới cho phép nông sản đạt tiêu chuẩn nhập khẩu vào Trung Quốc.

 

-  Phải đăng ký mã số xuất khẩu thực phẩm (mã HS/CIQ) theo lệnh 248 và và công hàm số 353/2021 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

 

- Đối với ngành hàng trái cây, rau củ phải được thu mua từ vùng trồng và đóng gói tại cơ sở đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số và được Tổng cục Hải quan công nhận. Theo Mục 5 Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 774:2020/BVTV ban hành kèm theo Quyết định 2481/QĐ-BVTV-KH quy định thủ tục đăng ký cấp mã số vùng trồng được thực hiện như sau:

 

Bước 1: Đăng ký thông tin với Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tại địa phương.

 

Bước 2: Đơn vị có thẩm quyền tiến hành kiểm tra thực địa.

 

Bước 3: Đơn vị kiểm tra gửi đề nghị cấp mã số tới Cục Bảo vệ thực vật để tiến hành thẩm định.

 

Bước 4: Đơn vị mà cá nhân/doanh nghiệp đã đăng ký cấp mã số gửi thông báo bằng văn bản tới địa chỉ cá nhân/doanh nghiệp.

 

Xác định doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc

 

1. Đối với doanh nghiệp sản xuất, chế biến

 

Nhóm 1: Doanh nghiệp nằm trong danh mục 18 nhóm mặt hàng sau đăng ký mã số xuất khẩu thông qua các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam:

 

- Nhóm sản phẩm thực phẩm từ động vật: thịt và các sản phẩm từ thịt; vỏ ruột (dùng làm vỏ xúc xích); sản phẩm từ sữa; yến sào và các sản phẩm từ tổ yến; sản phẩm từ ong; trứng và các sản phẩm từ trứng.

 

- Nhóm sản phẩm thực phẩm từ thực vật: chất béo và dầu thực phẩm; thực phẩm chế biến hỗn hợp từ bột mì; thực phẩm từ ngũ cốc, sản phẩm công nghiệp xay xát ngũ cốc và mạch nha; rau củ tươi và khô (ráu tách nước, sấy); đậu khô; gia vị; các loại hạt (quả hạch) và hạt giống; trái cây sấy khô; hạt cà phê và hạt ca cao chưa rang.

 

- Nhóm sản phẩm thực phẩm từ thuỷ sản.

 

- Nhóm thực phẩm dinh dưỡng đặc biệt; thực phẩm chức năng.

 

Hiện có 5 cơ quan thuộc 3 bộ mà các doanh nghiệp có thể đăng ký mã số xuất khẩu, cụ thể:

 

- Bộ Công thương: Vụ Khoa học và Công nghệ phụ trách dầu thực phẩm và nguyên liệu; thực phẩm từ ngũ cốc, sản phẩm công nghiệp xay xát ngũ cốc và mạch nha; bánh có nhân các loại.

 

- Bộ Y tế: Cục An toàn thực phẩm phụ trách thực phẩm dinh dưỡng đặc biệt; thực phẩm chức năng.

 

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Cục Bảo vệ thực vật, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản, Cục Thú y phụ trách tất cả các nhóm thực phẩm còn lại. 

 

Nhóm 2: Doanh nghiệp thuộc ngoài 18 nhóm mặt hàng trên đăng ký trực tiếp với Hải quan Trung Quốc.

 

2. Đối với doanh nghiệp thương mại/đại lý xuất khẩu thực phẩm (không phải doanh nghiệp sản xuất trực tiếp)

 

- Không cần phải đăng ký doanh nghiệp theo yêu cầu lệnh 248, tuy nhiên phải đảm bảo sản phẩm mình mua để xuất khẩu có xuất xứ từ doanh nghiệp sản xuất thực phẩm đã đăng ký và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số.

 

- Có thể trực tiếp (hoặc uỷ quyền cho đối tác nhập khẩu Trung Quốc) nộp hồ sơ đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc qua http://ire.customs.gov.cn/ Tổng cục Hải quan Trung Quốc để cấp mã số và công bố danh sách các doanh nghiệp thương mại.

 

Các bước đăng ký mã số xuất khẩu

 

 

- Đối với doanh nghiệp đăng ký cấp mã số thông qua cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo 6 bước sau:

 

Bước 1: Doanh nghiệp xác định cơ quan có thẩm quyền Việt Nam.

 

Bước 2: Doanh nghiệp đăng ký thông tin với cơ quan thẩm quyền Việt Nam.

 

Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền Việt Nam đến kiểm tra doanh nghiệp, rà soát, đối chiếu thông tin doanh nghiệp, hiệu lực đăng ký.

 

Bước 4: Cơ quan có thẩm quyền Việt Nam gửi danh sách doanh nghiệp và tài liệu liên quan đến Hải quan Trung Quốc qua đường ngoại giao.

 

Bước 5: Hải quan Trung Quốc tiến hành rà soát, đối chiếu, tiếp nhận đăng ký sau đó cung cấp mã số tới cơ quan thẩm quyền hoặc doanh nghiệp Việt Nam.

 

Bước 6: Doanh nghiệp dựa vào mã số do Hải quan trung quốc cấp để in ấn bap bì, nhãn mác của sản phẩm.

 

- Đối với doanh nghiệp đăng ký trực tuyến (online) với cơ quan Hải quan Trung Quốc thực hiện theo 7 bước tại https://app.singlewindow.cn/ để hoàn thiện yêu cầu. 

 

Mã số có hiệu lực trong vòng 5 năm, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ xác định ngày bắt đầu và kết thúc thời hạn hiệu lực của mã số. Doanh nghiệp phải nộp hồ sơ gia hạn mã số từ 3 đến 6 tháng trước khi hết hiệu lực. Khi đáp ứng yêu cầu đăng ký thì thời hạn hiệu lực sẽ được gia hạn thêm 5 năm.

 

Tuy nhiên, quy trình chuẩn bị hồ sơ và đăng ký xuất khẩu vẫn còn gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp nông sản, đặc biệt là những doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường xuất khẩu. Do đó, để tránh sai sót và hạn chế các chi phí không cần thiết, các doanh nghiệp nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đơn vị chuyên nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản.